Doanh nhân Đỗ Thanh Thủy: “Sống như ước vọng để thấy đời mênh mông...”

Đăng bởi Gia Lộc vào lúc 16/06/2021

Theo báo VHDN số tháng 8/2016
Doanh nhân Đỗ Thanh Thủy:“Sống như ước vọng để thấy đời mênh mông...”
 
      “Thành quả của bản thân nếu không được sẻ chia, dù lớn đến mấy cũng chỉ là điều bình thường. Trong kinh doanh cũng như cuộc sống hằng ngày, thành công đến đôi khi từ những điều giản đơn ấy. Và khi đã thực hiện được những ước muốn của bản thân, dù là nhỏ nhoi, thầm lặng nhưng ta sẽ thấy ý nghĩa mênh mông của cuộc đời...”. Đó là chia sẻ chân thành về cuộc sống và công việc của doanh nhân Đỗ Thanh Thủy, Giám đốc công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Gia Lộc (Hải Dương).
Bản lĩnh chinh phục
     Câu chuyện của một cán bộ huyện Gia Lộc kể về chị Đỗ Thanh Thủy - nữ doanh nhân trẻ luôn dám nghĩ dám làm, đã từ bỏ cả sự nghiệp ở thủ đô để về quê lập nghiệp khiến tôi hào hứng tìm gặp. Căn nhà của chị nằm trong khu sản xuất, được chủ nhân thiết kế hiện đại, với một khuôn viên cỏ hoa rất hài hòa. Chị Thủy chào tôi bằng nụ cười tươi và khuôn mặt thân thiện, giúp xóa tan những khoảng cách ban đầu.
     Nhưng, những bộc bạch của chị về bản thân, về sự “khác người” trong công việc và cuộc sống mới khiến tôi ngỡ ngàng và thật sự thán phục. Cũng chẳng nghĩ, vị giám đốc có vẻ ngoài đầy nữ tính này lại có cả một hành trình lập nghiệp và những nhiệt huyết đáng để suy ngẫm đến thế.
     “Mình đến với nghiệp kinh doanh không giống nhiều người, đó như là một cơ duyên. Từ nhỏ đến khi học đại học, mình chỉ mong sau này làm công việc văn phòng đơn thuần chứ chẳng bao giờ nghĩ sẽ thành lập doanh nghiệp. Như cái tên Thanh Thủy vậy, cuộc sống đôi khi cũng nên là dòng nước nhẹ nhàng mà thôi”. Chị Thủy mở đầu câu chuyện một cách hóm hỉnh.
Đỗ Thanh Thủy sinh năm 1977 trong gia đình cả bố mẹ đều làm nhà nước. Học xong cấp ba, chị thi đỗ vào trường ĐH Ngoại ngữ Hà Nội. Ra trường với tấm bằng giỏi, Thủy xin vào làm phiên dịch cho một công ty của Đài Loan tại Hà Nội. Từ khi đi làm, chị luôn tâm niệm phải luôn nỗ lực để hoàn thành tốt công việc được giao. Nhưng khi làm việc ở bất kỳ công ty hoặc cơ quan nào, chị luôn được lãnh đạo tin tưởng, đồng nghiệp mến mộ. Vốn thông minh, lại có “khiếu” làm lãnh đạo (là học sinh hay khi vào đại học, chị đều làm bí thư hoặc lớp trưởng) nên đến đâu cũng vậy, sau một thời gian là Thủy được giao làm quản lý, hoặc phụ trách lĩnh vực của mình.
     “Thời gian này, mình có điều kiện được tiếp xúc với nhiều người thành đạt, học hỏi từ họ rất nhiều trong cuộc sống cũng như công việc. Có lẽ vì vậy mà đam mê kinh doanh đến lúc nào không hay”. Chị chia sẻ.
     Đến khi xây dựng gia đình thì niềm đam mê ấy của chị mới thực sự có cơ hội bùng cháy. Chồng Thủy là chủ một doanh nghiệp khá mạnh trong lĩnh vực đào tạo, du học quốc tế. Sau khi cưới, chị về làm việc tại công ty của chồng. Thế nhưng do quan điểm trong công việc giữa hai người khác nhau (dù cuộc sống hàng ngày rất tâm đầu, ý hợp), Thủy quyết định xây dựng cho mình một hướng kinh doanh riêng, vừa là để khẳng định năng lực bản thân, vừa là để vợ chồng có điều kiện hỗ trợ cho nhau.
     Năm 2007, chị “lập nghiệp” với một ý tưởng khá kỳ quặc: bỏ ra gần chục tỷ đồng để mua lại một công ty sản xuất hương ở Thanh Hóa. Doanh nghiệp này mấy năm liền làm ăn thua lỗ và đang đứng trên bờ phá sản. Ai cũng khuyên ngăn nhưng Thủy lại nghĩ: người ta thất bại vì chưa đi đúng hướng, mình tìm được nguyên nhân thì chắc chắn thành công.
Thế là chị rong ruổi bắt xe vào nam, ra bắc, vừa để tìm nguồn hàng, duy trì hoạt động và phát triển thị trường (lúc này hai vợ chồng vẫn ở Hà Nội). Con đường thành công không mấy khi trải hoa hồng, với Thủy, nó càng trở nên gian nan bởi ngoài việc đối mặt với sự cạnh tranh trên thương trường, chị phải cùng lúc sắm trọn nhiều vai: vừa làm tốt vai trò làm vợ, làm mẹ, lo toan công việc gia đình, đồng thời phải đảm bảo đời sống người lao động... Cũng may với nguồn động viên vô tận từ gia đình, bạn bè, nhất là người chồng tâm lý nên chị luôn tự tin, tìm ra sự hiệu quả để lèo lái doanh nghiệp.
     Đầu năm 2010, khi tỉnh Hải Dương đẩy mạnh phát triển các KCN, có nhiều chính sách thu hút đầu tư, Đỗ Thanh Thủy quyết định thành lập công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Gia Lộc và chuyển toàn bộ thiết bị, nhân viên công ty cũ về quê. Được địa phương tạo điều kiện cho thuê 10.000 mét vuông đất tại KCN Gia Lộc, chị tiến hành xây dựng nhà xưởng, đến năm 2013 thì bắt đầu đi vào hoạt động.
     Nhờ năng động, nhạy bén đón bắt nhu cầu thị trường nên việc sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp gặp nhiều thuận lợi. Sản phẩm của công ty Gia Lộc chủ yếu xuất sang Ấn Độ, Thái Lan, Myamar..., là những thị trường lớn, ổn định. Nhờ đó, doanh thu công ty tăng trưởng đều, thu nhập của người lao động ngày càng cải thiện. Niềm tin, ý chí quyết tâm phát triển doanh nghiệp ngay chính mảnh đất quê hương của chị Thủy nhờ vậy càng được vun đắp thêm.
“Sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình”
     Với những trải nghiệm phong phú trong kinh doanh, Đỗ Thanh Thủy luôn tâm niệm: một doanh nhân thành đạt, đó là may mắn được xã hội giúp sức. Khi đã thành công, sự may may mắn đó cần được chia sẻ đến cộng đồng mới thực sự bền lâu và có ý nghĩa.
     Chính từ triết lý đó, không bất ngờ khi lao động làm cho Thủy chủ yếu là những người có hoàn cảnh rất đặc biệt: đó là những đối tượng chính sách, người khuyết tật, gia đình nghèo... Chị còn lặn lội đem việc làm đến các trung tâm bảo trợ xã hội, người khuyết tật, phục hồi chức năng... thậm chí là các trại cải tạo với những phạm nhân đang nỗ lực tìm đường hoàn lương. Nghề làm hương không đòi hỏi tay nghề cao mà chỉ cần thời gian và sự chăm chỉ. Do vậy, những cây hương nhỏ bé của chị Thủy đã giúp cuộc sống những người như vậy thêm phần ý nghĩa.
      Do nông nổi của tuổi trẻ, Nguyễn Xuân Phú (quê ở huyện An Dương, TP. Hải Phòng) phải chịu án tù 5 năm tại trại giam Hoàng Tiến (TX. Chí Linh) vì tội buôn bán tiền giả. Trong quá trình cải tạo, Phú được giao làm phụ trách đội sản xuất hương. Nhờ chịu khó lao động, sau khi mãn hạn tù, Phú có đôi tay thuần thục trong nghề làm hương. Anh mạnh dạn tìm gặp chị Thủy, mong muốn được giúp đỡ để làm lại cuộc đời từ công việc này. Cảm phục điều này, giám đốc Đỗ Thanh Thủy đã đứng ra giúp Phú mở xưởng, hỗ trợ máy móc, kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm. Nhờ nỗ lực bản thân và được Công ty Gia Lộc tạo điều kiện tối đa, xưởng sản xuất hương của Phú hoạt động ngày càng hiệu quả, anh còn tạo việc làm ổn định cho gần 20 lao động địa phương.
Nguyễn Xuân Phú là một trong hàng nghìn trường hợp được chị Thủy giải quyết thu nhập, giúp họ xóa đi mặc cảm và những thiệt thòi trong cuộc sống. Hiện tại, chị đang ký hợp đồng với gần 40 xưởng sản xuất ở nhiều tỉnh, thành miền Bắc. Chị Thủy tâm sự: nghề làm hương lợi nhuận rất ít nên phải yêu nghề mới bám trụ được. Thế nên, mình rất mừng khi từ ngày thành lập công ty, người lao động ngày càng nhiều lên chứ chưa từng có ai bỏ việc. Công ty Gia Lộc luôn là ngôi nhà ấm áp, tạo nguồn sống cho nhiều gia đình. Ai có hoàn cảnh khó khăn, mình cũng sẵn sàng hỗ trợ bởi đó là cái tâm, là nghĩa vụ thiêng liêng chan chứa tình người.
      Được biết, chị Thủy luôn tham gia đầy đủ các công tác thiện nguyện do địa phương phát động. Chị còn thành lập riêng một quỹ hộ trợ các em học sinh đỗ đại học nhưng có hoàn cảnh khó khăn để giúp các em có điều kiện đến trường.
      Những dự định giúp ích cho xã hội của Giám đốc Đỗ Thanh Thủy còn nhiều lắm, muốn được chia sẻ thêm nhưng chị chỉ cười bảo: “Để mình làm được rồi tự khắc nhà báo sẽ biết!”. Là người không phô trương nên tôi tin rằng, khi thực hiện được ước nguyện cao cả của mình, sẽ là lúc chị đón những niềm hạnh phúc vô bờ.
 

VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN:
icon icon icon
popup

Số lượng:

Tổng tiền:

Xin chào
close nav