Hội đền Hai Bà Trưng

Đăng bởi Gia Lộc vào lúc 31/08/2021

 

Đền thờ Hai Bà Trưng ở thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh, huyện Mê Linh, thành phố Hà Nội được xây dựng trên vùng đất đắc địa, ngay chính nơi Hai Bà sinh ra, lớn lên, tế cờ khởi nghĩa giành thắng lợi, xưng Vương và định đô ngay từ những tháng năm đầu sau Công nguyên năm 40-43.

Đền ngự trên một khu đất cao, rộng, thoáng giữa cánh đồng, nhìn ra đê sông Hồng. Tam môn nội, trên cửa chính có bức hoành phi mang dòng chữ “Ly chiếu tứ phương” (ví Hai Bà như ánh sáng chiếu tỏa bốn phương). Theo thuyết phong thủy, khu đất này có hình dáng giống như hình của một con voi trắng đang uống nước (Bạch tượng uyển hồ). Ban đầu ngôi đền được xây dựng bằng tre, lá. Đến triều Đinh (968-980), đền được xây lại bằng gạch. Đền đã trải qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo. Năm 1881-1889, đền được trùng tu lớn và đổi hướng lại ban đầu như hướng ngày nay. Đền được xây dựng theo kiểu “Nội công ngoại quốc”, hình chữ “tam”, gồm: Tiền tế, Trung tế, Hậu cung, xung quanh là tường gạch; hai bên là Tả mạc và Hữu mạc bao lấy khu sân rộng. Hai cây muỗm bên hồ Bán Nguyệt cùng các cây cổ thụ khác trong khu nội vi đều tỏa bóng mát rượi càng làm tôn thêm cho đền vẻ cổ kính, uy linh. Hàng năm, Khu di tích Đền thờ Hai Bà Trưng Mê Linh mở lễ hội chính từ ngày mồng 4 đến ngày mồng 10 tháng Giêng âm lịch, ngày mùng 6 là chính hội – ngày Hai Bà tế cờ khởi nghĩa.

Lễ hội được tổ chức theo nghi thức nhà nước và truyền thống địa phương: Dâng hương, mít tinh kỷ niệm ngày Hai Bà Trưng tế cờ khởi nghĩa và tế lễ theo nghi thức cổ truyền. Nhân dân còn ghi nhớ câu ca: “Có về thăm hội Hạ Lôi; Tháng Giêng mồng sáu cho tôi đi cùng”. Ngoài ra, ở đền còn có những ngày lễ khác nhau cũng được tổ chức hàng năm: Ngày mùng 8 tháng 3 âm lịch: Là ngày hóa của Hai Bà Trưng (ngày mùng 8 tháng 3 năm Quý Mão, năm 43 SCN). Ngày mùng 1 tháng 8 âm lịch: Là ngày sinh của Hai Bà Trưng (ngày mồng 1 tháng 8 năm Giáp Tuất, năm 14 SCN). Ngày mùng 10 tháng 11 âm lịch: Là ngày giỗ ông Thi Sách (chồng Bà Trưng Trắc). Đặc biệt cứ 5 năm một lần, vào dịp lễ hội mùng 6 tháng Giêng âm lịch (với những năm có số cuối là 0 và 5), Mê Linh tổ chức rước kiệu Hai Bà Trưng, kiệu Thành hoàng làng Hạ Lôi và kiệu Thánh Cốt Tung là một danh tướng của Hùng Duệ Vương được thờ tại làng Hạ Lôi. Rước kiệu ở lễ hội đền Hai Bà Trưng Mê Linh có nét đặc trưng riêng. Sáng mùng 4 tháng Giêng âm lịch, sau khi làm lễ “Tế trình”, đoàn rước hai cỗ kiệu của Hai Bà Trưng đi từ đền về đình làng (đình Hạ Lôi). Đi hộ giá Hai Bà có các đội nghi trương gồm: Cờ lệnh, đội cờ ngũ hành, đội cờ tứ linh, đội cờ thành tàn lọng, đội gươm trường bát bửu, đội nữ binh hộ giá, hai voi trắng, ngựa hồng, ngựa bạch… cùng các đội múa sênh tiền, đội múa lân vừa đi vừa múa trong tiếng nhạc lễ cung đình của dàn nhạc bát âm, hòa quyện trong tiếng trống, tiếng chiêng, rộn rã, linh thiêng. Kiệu Bà Trưng Trắc đi trước, nhưng khi ra khỏi cổng đền, kiệu Bà Trưng Trắc dừng lại bên phải đường để kiệu bà Trưng Nhị đi trước (với ý nghĩa: Nội gia tỷ muội, ngoài quốc quân thần). Việc đổi vị trí kiệu gọi là “giao kiệu”. Cùng thời điểm này, từ đình làng Hạ Lôi, đoàn rước kiệu Thành hoàng làng và kiệu Thánh Cốt Tung đi đến ngã tư cổng đền để nghênh đón kiệu Hai Bà về đình làng (với ý nghĩa: Hai Bà Trưng đi kinh lý về thăm quê hương). Đoàn rước kiệu về đến cổng đình làng thì kiệu Bà Trưng Nhị dừng lại bên phải đường để kiệu bà Trưng Trắc đi vào sân đình trước (giao kiệu lần hai). Sau khi đoàn rước kiệu đã tề tựu theo thứ tự tại sân đình làng, ảnh Hai Bà Trưng, bài vị của bốn vị Thành hoàng làng và bài vị Thánh Cốt Tung được rước đặt trên nhang án trong đình làng. Sau đó, dân làng tổ chức tế lễ tại đình làng từ chiều ngày mồng 4 đến hết ngày mùng 5 tháng Giêng với ý nghĩa là để chào đón Hai Bà Trưng về thăm quê hương. Sáng ngày mùng 6 tháng Giêng âm lịch, đoàn rước kiệu lại rước bốn cỗ kiệu từ đình làng về đền Hai Bà Trưng. Từ trong đình làng, đội nghi trượng dẫn đầu đoàn, tiếp đến là kiệu bà Trưng Trắc đi trước. Khi đoàn rước kiệu ra khỏi cổng đình làng, kiệu bà Trưng Trắc dừng lại để kiệu bà Trưng Nhị đi trước (giao kiệu lần thứ nhất trong ngày mồng 6).

Trong quá trình lễ rước kiệu, nhiều lần đội hình rước kiệu dừng lại, thực hiện động tác đổi vai nâng kiệu qua đầu ba lần cả bốn cỗ kiệu - động tác này được thực hiện không đồng thời mà tiếp nối nhau, nên nếu nhìn tổng thể sẽ thấy hình ảnh các cỗ kiệu nhấp nhô giữa đội hình cờ sí, tựa như thân hình một con rồng đang uốn lượn, hòa quyện trong tiếng trống tiếng chiêng của dàn nhạc bát âm cung đình rộn rã và uy linh. Lễ hội đền Hai Bà Trưng Mê Linh vốn có sức sống mãnh liệt, đã gợi lên âm hưởng của quá khứ, làm nên phong cách con người nơi đây, như một sự giáo dục truyền thống, biểu thị lòng sùng kính của quê hương đối với Hai Bà. Du khách về với Mê Linh là về với quê hương Hai Bà Trưng – một vùng quê huyền thoại của kinh đô xưa, mang đậm nét truyền thống lịch sử văn hóa với những người dân cần cù sáng tạo hăng say trên những cánh đồng hoa muôn sắc thơm hương, tạo nên một vùng hoa Mê Linh nổi tiếng cung cấp hoa tới các thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành trong cả nước.

icon icon icon
popup

Số lượng:

Tổng tiền:

Xin chào
close nav